Theo Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), cần xem xét, cân nhắc cho phép doanh nghiệp Nhà nước đủ điều kiện được kinh doanh bất động sản. Bởi đây là lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao, nếu được tham gia sẽ giúp các doanh nghiệp này tăng nguồn thu, qua đó bù đắp chi phí cho các hoạt động công ích và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của phần vốn Nhà nước.
Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Hoà cho biết: Đầu tư vốn của Nhà nước phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, những việc nào tư nhân làm được để cho tư nhân làm, còn những việc nào tư nhân không làm mà Nhà nước cần phải làm để phục vụ cho xã hội.
Về đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hoà nêu: "Có một số ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản mình không cho hoặc cho thì có báo cáo với cơ quan chủ quản sở hữu quản lý nhà nước về vốn, tôi thấy đây là một điểm cũng cần có quan tâm".
“Cần có suy nghĩ, ví dụ, lĩnh vực ngân hàng có cho phép đầu tư, kinh doanh bất động sản hay không, có cho phép đầu tư chứng khoán hay không?”, ông Hoà nói.
Theo ông này, thực tế thời gian qua có một số công ty lớn đầu tư ngoài ngành đã thất thoát và đã có những trường hợp vướng vào vòng lao lý. Bây giờ mình cho phép những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành thì đề nghị có cân nhắc, quy định kỹ.
“Trước đây, có một số đại biểu nói rằng không được kinh doanh bất động sản. Tôi nghĩ rằng được chứ không phải không được, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được. Cho nên, đề nghị cân nhắc để đảm bảo hiệu quả, hiệu suất lâu dài vì kinh doanh bất động sản hiện nay là một món "béo bở", có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp cho những chi phí khác, rất cần thiết nhưng không phải ai cũng được”, ông Hoà nói.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình): “Nếu chúng ta vẫn quan niệm doanh nghiệp tư nhân làm được thì Nhà nước không làm được, tôi cho khái niệm đó không phù hợp”.
Vì sao?
Lý do là bởi doanh nghiệp Nhà nước sử dụng ngân sách Nhà nước, hoạt động vì lợi ích chung. Kể cả khi có lãi, phần lợi nhuận đó cũng phải nộp về ngân sách, đồng thời còn đảm bảo việc làm cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức. Do đó, không thể nói rằng lĩnh vực nào doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp Nhà nước không nên làm.
Theo ý kiến đại biểu, không thể có chuyện thắc mắc rằng Nhà nước không ưu ái cho doanh nghiệp Nhà nước. Bởi trong nhiều lĩnh vực đặc thù như than, dầu khí, an ninh, quốc phòng… thì doanh nghiệp Nhà nước phải là lực lượng chủ lực, vì họ gánh vác trách nhiệm lớn hơn là chỉ tạo ra lợi nhuận – đó là đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, và thực hiện vai trò điều tiết thị trường, ổn định xã hội.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân – với đặc trưng là hoạt động theo nguyên tắc thị trường – chỉ tham gia khi thấy có lợi nhuận.
“Cho nên, quan điểm doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp Nhà nước không làm là không đúng”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nói.
Theo ông Thân, cần giao rất cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải đang làm về một nhiệm vụ chính mà thấy bất động sản "hot" lại nhảy vào.
"Cho nên phải giao rất cụ thể và những mục chúng ta đồng ý cho doanh nghiệp tham gia vào phải có ý nghĩa chứ không phải cái gì cũng tham gia”, ông Thân cho hay.
Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho hay, vốn doanh nghiệp Nhà nước là tiền của người dân bỏ ra, cá nhân chủ doanh nghiệp Nhà nước cũng không phải bỏ vốn, do vậy trong nền kinh tế thị trường rất rủi ro và dễ thất thoát.
Những gì doanh nghiệp Nhà nước làm được thì nên tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tham gia. Thực tế vừa qua cho thấy, ở nhiều lĩnh vực, có doanh nghiệp Nhà nước báo lỗ kéo dài, nhưng khi Nhà nước cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia, thì doanh nghiệp tư nhân không những hoạt động hiệu quả, có lãi mà còn đóng góp ngân sách rất lớn.
Hiện khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 47% GDP cả nước. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhiều đại biểu từng cho rằng doanh nghiệp Nhà nước là “gánh nặng” vì phải lo an sinh xã hội. Tuy nhiên, qua các đợt lũ lụt, thiên tai gần đây, khu vực tư nhân lại là lực lượng đi đầu, đóng góp rất tích cực cho công tác an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn tồn tại một số lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhà nước giữ vị thế rất độc quyền. Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo lần này cần bổ sung nội dung liên quan đến việc xóa bỏ độc quyền trong các ngành, lĩnh vực chưa thực sự cần thiết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia bình đẳng.
An Linh
Bình luận (2)





